Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 7] Chế biến sâu, đi đâu cũng dễ

16:38 | 23/05/2025

Khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia.

Cây ớt vốn nổi tiếng là “khó chiều” khi Hợp tác xã (HTX) Tam Nông Việt Nam (huyện Củ Chi, TP.HCM) lựa chọn để canh tác hữu cơ, khởi đầu cho giấc mơ khai phá thị trường toàn cầu. Bằng việc kiên trì với quy trình khắt khe từ khâu chọn giống, cải tạo đất đến phòng trừ sâu bệnh, nói không với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và giống biến đổi gen, HTX đã cho ra đời những trái ớt sạch, chất lượng cao.

"Việc sản xuất nông nghiệp không chỉ để bán sản phẩm, mà còn là cách bảo vệ đất, gìn giữ môi trường sống lành mạnh cho người nông dân và cộng đồng.

Chúng tôi theo đuổi nông nghiệp hữu cơ không phải vì xu hướng, mà vì đó là lối sống văn minh, hòa hợp với tự nhiên, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng như hiện nay”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc HTX Tam Nông Việt Nam chia sẻ. HTX không chỉ phát triển sản phẩm mà còn giúp nông dân làm chủ cuộc sống bằng tư duy kinh tế nông nghiệp.

Không dừng lại ở sản xuất, HTX Tam Nông Việt Nam chủ động đào tạo nông dân về kiến thức hữu cơ, hướng dẫn cách ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp và sử dụng sinh học đối kháng để phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, qua đó tạo được niềm tin và sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng canh tác.

Những trái ớt đỏ mọng, cay nồng được tuyển chọn kỹ lưỡng, lên men bằng phương pháp tự nhiên, không chất bảo quản, không phẩm màu - chính là nền tảng cho sản phẩm “Tương ớt Làng Ta” vừa giữ nguyên hương vị cay nồng, vừa mang đậm phong vị truyền thống Việt Nam để chinh phục thị trường thế giới.

“Sau thu hoạch là lúc giá trị nông sản được quyết định. Nếu không chế biến, nông sản chỉ là nguyên liệu thô”, bà Vân Anh chia sẻ.

Nhờ quá trình lên men chuẩn mực và quy trình sản xuất khép kín, sản phẩm “Tương ớt Làng Ta” của HTX Tam Nông Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật để vào thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính.

“Chúng tôi tuân thủ triệt để triết lý minh bạch, trách nhiệm và bền vững trong mọi quy trình. Bao bì phải tái chế được, quy trình sản xuất không phát thải, sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng vẫn tôn trọng môi trường”, bà Vân Anh nói và cho biết thêm, HTX không ngừng mở rộng quy mô bằng việc tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước để kết nối thị trường. Đồng thời, chú trọng đầu tư vào hai sản phẩm chiến lược: ớt và gạo, với mục tiêu đưa thương hiệu “Làng Ta” trở thành biểu tượng của nông sản hữu cơ Việt.

Không dừng lại ở đó, để tạo một không gian đưa sản phẩm Việt chuẩn hóa hiện diện tại thị trường Nhật Bản, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khác có cùng mục tiêu, bà Nguyễn Thị Vân Anh đã thành lập “TB Market” tại Hokkaido (Nhật bản).

Bằng nền tảng khoa học, áp dụng chế biến sâu và một chiến lược dài hơi, HTX Tam Nông Việt Nam đặt mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm bằng công nghệ, quy trình sản xuất nghiêm ngặt và minh bạch, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia, đưa sản phẩm nông sản vươn mình ra biển lớn có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

https://nongnghiepmoitruong.vn/thi-truong-nong-san-viet-da-kenh-da-huong-bai-7-che-bien-sau-di-dau-d751229.html

Xem thêm bài viết khác